Văn hoá Mecca

Masjid al-Haram và Kaaba.

Văn hoá Mecca chịu tác động từ lượng người hành hương đông đảo đến thành phố mỗi năm, và do đó có di sản văn hoá phong phú, trở thành thành phố đa dạng nhất trong thế giới Hồi giáo. Tương phản với phần còn lại của Ả Rập Xê Út, đặc biệt là Najd, Mecca theo lời The New York Times, trở thành "một ốc đảo nổi bật" về tự do tư tưởng và thảo luận, cũng như của "chủ nghĩa tự do không chắc" do "người Mecca cho mình là một bức tường thành chống lại chủ nghĩa cực đoan đang len lỏi và đã bắt kịp phần lớn cuộc tranh luận Hồi giáo".[7]

Máy in lần đầu được đưa đến Mecca vào năm 1885 bởi Osman Nuri Pasha, một thống đốc của Ottoman. Trong giai đoạn Nhà Hashem, nó được sử dụng để in công báo chính thức của thành phố có tên là al-Qibla. Chế độ Saud mở rộng nhà máy in này với mức hoạt động lớn hơn, phổ biến công báo chính thức mới của nhà nước là Umm al-Qurā. Từ đó các máy in và kỹ thuật in được đưa đến thành phố từ khắp Trung Đông, hầu hết là thông qua Jeddah.[71]

Mecca có tờ báo riêng mang tên Al Nadwa, song các báo quốc gia và quốc tế khác cũng được phát hành tại Mecca như Saudi Gazette, Al Madinah, Okaz và Al-Bilad. Ba tờ đầu là những báo chính tại Mecca (và các thành phố khác trong nước), tập trung chủ yếu vào các vấn đề tác động đến thành phố. Nhiều đài truyền hình phục vụ khu vực thành phố, gồm có Saudi TV1, Saudi TV2, Saudi TV Sports, Al-Ekhbariya, Arab Radio and Television Network và các nhà cung cấp truyền hình cáp, vệ tinh và chuyên biệt khác.

Tại Mecca vào thời kỳ tiền hiện đại, các môn thể thao phổ biến nhất là vật ngẫu hứng và chạy bộ.[71] Bóng đá hiện là môn thể thao phổ biến nhất tại Mecca, thành phố có một số câu lạc bổ thể thao thuộc hàng lâu năm nhất tại Ả Rập Xê Út, như Al-Wahda FC (thành lập vào năm 1945). Sân vận động Quốc vương Abdulaziz là sân vận động lớn nhất tại Mecca với sức chứa 38.000 chỗ ngồi.[91]

Ẩm thực

Kabsa là món ăn phổ biến tại Mecca

Giống như tại các thành phố Ả Rập khác, Kabsa (một món được nêm gia vị gồm gạo và thịt) là bữa trưa truyền thống phổ biến nhất, song món mandi từ Yemen (gồm gạo và thịt nấu kiểu tandoori) cũng phổ biến. Các món thịt nướng như shawarma, koftakebab được bán nhiều tại Mecca. Trong dịp Ramadan, đậu răng ngựa ngâm dầu ô liu (ful medames) và samosa là các món phổ biến nhất và được ăn vào lúc hoàng hôn. Các món này luôn xuất hiện trong các nhà hàng Liban, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Sự pha trộn của các dân tộc và quốc tịch khác nhau trong cư dân Mecca có tác động đáng kể đến ẩm thực truyền thống địa phương. Thành phố được mô tả là một trong các thành phố Hồi giáo có tính thế giới nhất, với một nền ẩm thực quốc tế.[92]

Theo truyền thống trong dịp Ramadan, nam giới (gọi là Saggas) cung cấp nước khoáng và nước quả ép cho những người Hồi giáo để họ ăn điểm tâm vào hoàng hôn. Ngày nay, Saggas kiếm tiền bằng cách cung cấp các loại đồ ăn ngọt như baklava va basbosa cùng với các đồ uống nước quả ép.

Trong thế kỷ XX, nhiều chuỗi đồ ăn nhanh đã mở cửa hàng nhượng quyền tại Mecca, phục vụ người dân địa phương và khách hành hương.[93] Các đồ ăn ngoại lai thường được các khách hành hương đem đến.[94]

Nhân khẩu

Mật độ dân số tại Mecca ở mức rất cao, hầu hết cư dân thường trú tại Mecca sống trong khu thành cổ, và nhiều người làm việc trong ngành kinh doanh mà người địa phương gọi là ngành kinh doanh Hajj. Một quan chức Ả Rập Xê Út từng phát biểu "Chúng tôi chưa từng ngưng việc chuẩn bị cho Hajj."[95] Trong suốt cả năm, các dòng người hành hương tiến vào thành phố để thực hiện các nghi lễ của Umrah, và trong các tuần cuối cùng của tháng Dhu al-Qidah, có trung bình 4 triệu người Hồi giáo đến thành phố để tham gia các nghi lễ gọi là Hajj.[96]

Người hành hương thuộc các dân tộc và xuất thân khác nhau, chủ yếu đến từ Trung Á, Nam Á, Đông Nam Á, châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Nhiều người hành hương ở lại và trở thành cư dân của thành phố. Người đến từ Myanmar là một cộng đồng lâu năm, có sự bền vững với số lượng khoảng 250.000 người.[97] Ngoài đa dạng do Hajj, bùng nổ dầu mỏ trong 50 qua tại Ả Rập Xê Út khiến hàng trăm nghìn người nhập cư đến lao động trong thành phố.

Người không theo Hồi giáo bị cấm đến Mecca theo luật pháp của Ả Rập Xê Út,[8] và việc sử dụng các tài liệu gian lận để làm điều này có thể dẫn đến việc bị bắt giữ và khởi tố.[98] Lệnh cấm cũng được áp dụng cho người thuộc giáo phái Ahmadiyya vì họ được cho rằng không phải là người Hồi giáo.[99] Tuy vậy, có nhiều người không theo Hồi giáo từng đến thành phố, trường hợp đầu tiên được ghi lại là Ludovico di Varthema vào năm 1503.[100] Người sáng lập Sikh giáoGuru Nanak Sahib đến Mecca vào tháng 12 năm 1518.[101] Một trong những người nổi tiếng nhất là Richard Francis Burton,[102] ông đến với thân phận tín đồ phái Sufi Qadiriyyah từ Afghanistan vào năm 1853.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mecca http://www.abs-cbnnews.com/storypage.aspx?StoryId=... http://www.anisamehdi.com/projects/insidemecca/pre... http://arabnews.com/saudiarabia/article184594.ece http://global.britannica.com/EBchecked/topic/31568... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/114078/c... http://www.cgijeddah.com/cgijed/haj/orient/visitha... http://articles.cnn.com/2006-01-07/world/hajj.gora... http://elabdarchitecture.com/resume.htm http://www.eosnap.com/?s=dust+storm+n+peninsula+ma... http://www.expressandstar.com/days/1976-2000/1990....